Các đốt dầm nặng gần 40 tấn được đúc tập trung tại một nơi và chuyển bằng xe chuyên dụng tới tập kết dọc theo tuyến metro. Việc lắp đặt sau đó diễn ra rất gọn gàng với chất lượng hoàn thiện cao.
Các đốt dầm được khởi công đúc vào ngày 6/4/2015 tại một bãi đúc ở quận 9, TP.HCM. Khác với nhiều công trình khác, mỗi nhịp cầu cạn của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ được ghép lại bởi các đốt dầm, thay vì lắp một thanh dầm dài.
Theo đó các dầm cầu cạn này có khẩu độ điển hình 35m, bao gồm 13 đốt hầm được lắp lại với nhau (2 đỉnh trụ dài 1,7 m và 11 đốt giữa mỗi đốt dài 2,8 m)
Mỗi đốt dầm có trọng lượng lớn nhất khoảng 42 tấn, như vậy một dầm U điển hình 35 m (một nhịp cầu) nặng khoảng 500 tấn.
Tổng cộng sẽ có 4.563 đốt hầm được đúc (tương đương 372 nhịp). Thời gian dự tính lắp các đốt dầm này là 2 năm, và sẽ thực hiện theo cách “đúc đến đâu, lắp đến đó”.
Với thiết kế này, các các nhịp cầu sẽ giảm tiếng ồn hiệu quả đối với người đi bộ và người dân dọc tuyến. Việc lắp đặt theo công nghệ mới (lắp hẫng cân bằng) cũng sẽ hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giao thông và mang lại kết cấu ổn định cho công trình.
Để ghép những đốt dầm này, đơn vị thi công sử dụng những mũi lao dầm dài hàng chục mét đặt trên hai trụ. Hiện nay có 3 mũi lao đang thi công đồng loạt tại các vị trí: Ngã tư Thủ Đức, cầu Rạch Chiếc và ngã ba xa lộ Hà Nội - Thảo Điền.
Một công nhân đang thao tác trong thời điểm ghép nối các đốt dầm.
Ngoài máy móc, mỗi đốt dầm cần có 4 công nhân căn chỉnh tại các vị trí.
Hai công nhân kiểm tra sau khi các đốt dầm được lắp.
Các đốt dầm được liên kết vĩnh cửu bởi khóa chống cắt, keo epoxy và cáp dự ứng lực. Trong ảnh là những sợi cáp dùng để kết nối các đốt hầm.
Chất lượng các nhịp cầu cạn sau khi lắp được đánh giá cao về thẩm mỹ và kết cấu.
Việc lắp dầm gần như không gây ra tiếng động lớn và diễn ra rất "nhẹ nhàng". Sau khi xong một nhịp, mũi lao này sẽ "trượt" về phía trước để lắp các nhịp tiếp theo.
Một đoạn khá dài đã được thi công xong tại quận 2. Công trình này sẽ có 14,5km cầu cạn, trong đó 12km sẽ được thi công bằng cách lắp dầm như trên. Việc lắp các đốt dầm được thực hiện bởi một liên doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản
Lõi thép của một trụ đỡ chuẩn bị được đổ bê tông.
Tại các ngã tư, những trụ đỡ được làm cao để vượt qua.
Song song với lắp dầm, tại một số vị trí vẫn tiếp tục đúc các trụ đỡ còn lại, tuy nhiên số lượng này không nhiều.
Độ rộng của những trụ bê tông cho thấy đây sẽ là một nhà ga.
Hàng trụ dưới chân cầu Sài Gòn.
Chiếc cầu vượt sông Sài Gòn dành riêng cho tuyến metro cũng đang được thi công gấp rút.
Một chiếc cờ gió được treo gần công trình để nhận biết hướng gió.
Tuyến metro này chạy dọc và nằm tách biệt với xa lộ Hà Nội nên gần như không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1) có tổng vốn 2,49 tỷ USD được khởi công vào tháng 8/2012. Tuyến dài gần 20 km, lần lượt đi qua các quận 1, Bình Thạnh, 2, 9, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương), trong đó khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga tại quận 1 và Bình Thạnh) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Ông Bùi Xuân Cường - Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho biết tuyến metro số 1 sẽ được đưa vào hoạt động trước hai năm so với kế hoạch (hoàn thành vào năm 2020).
Theo Nguyễn Cường (Infonet)